Đãi ngộ Hậu cung nhà Nguyễn

Các ngài Thái hậu

Từ Cung Hoàng thái hậu.

Hoàng thái hậuThái hoàng thái hậu là những bậc tôn quý nhất của triều Nguyễn. Trong khi không có Hoàng hậu mà chỉ có Phi tần, các Thái hậu là bậc Hậu đáng kể nhất, lại có vai trò trưởng bối nên luôn là người được cung phụng nhất.

Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), Thánh Tổ định hằng năm dâng cho Thái hậu 1.000 quan tiền, 1.000 phương gạo, lấy đó làm lệ thường. Sau đó các năm thứ 3 (1824) lại dâng thêm 10.000 quan tiền. Đến năm thứ 8 (1829) bàn định, cứ đầu năm mùa xuân là dâng lên 10.000 quan tiền, gặp kỳ Đại khánh thì nâng thành 50.000 quan tiền. Về sau, cứ có dịp trọng đại thì các Thái hậu lại được dâng thêm tiền mừng nữa.

Bắt đầu từ thời Nguyễn, vị hiệu của Thái hậu luôn độc tôn, dành cho mẹ ruột thân sinh của Hoàng đế, cũng bởi vì triều Nguyễn không lập ra vị trí Chính hậu. Triều Khải Định, Hoằng Tông vừa có Đích mẫu Nguyễn Hữu Thị Nhàn, vừa có Sinh mẫu Dương Thị Thục, bèn bắt đầu định ra khác biệt: Nguyễn Hữu thị tôn làm Hoàng thái hậu, còn Dương thị là Hoàng thái phi. Thực tế, danh vị [Hoàng thái phi] đã xuất hiện từ thời Hiệp Hòa, khi Phế Đế dâng tôn cho mẹ là Thụy tần Trương Thị Thận, rồi Giản Tông nghe theo quần thần tôn phong Dưỡng mẫu Học phi Nguyễn Văn Thị Hương. Triều Đồng Khánh, Cảnh Tông tước đi vị hiệu [Hoàng thái phi], đến triều Khải Định thiết đặt lại.

Năm Khải Định nguyên niên (1916). Tháng 5, ngày mồng 6, xuống sắc đón Hoàng nguyên từ (Nguyễn Hữu thị) cùng Hoàng lệnh từ (Dương thị) về thị hầu tại Tây Cung. Chuẩn hằng năm lấy ngày mồng 1 tháng 12 (ngày sinh của Nguyên Từ) làm Thánh Thọ tiết, còn ngày 26 tháng 3 (ngày sinh của Lệnh Từ) làm Tiên Thọ tiết, từ đó Hoằng Tông phân biệt gọi là [Thánh mẫu] cùng [Tiên mẫu]. Tháng 12 năm đó, dâng tôn hiệu Hoàng nguyên từ làm Hoàng thái hậu và Hoàng lệnh từ làm Hoàng thái phi. Trước đó ra sắc dụ như sau:

Thánh nhân buông giáo hóa, trước hết trọng lễ văn. Vương giả dấy nghiệp hưng, đầu tiên lo hiếu đạo. Có phụng dưỡng bề trên hợp với lòng thiên hạ, mới mong được thiên hạ tôn kính làm bề trên. Việc dâng tôn hiệu vẻ vang chính là thể hiện tấm lòng và biểu cao đức sáng.

Kính nghĩ Thánh mẫu Hoàng nguyên từ bệ hạ triều ta, phúc lớn lắng trước cổng danh gia, điềm lành rạng ở nơi đài các. Đã phụ giúp Hoàng khảo Cảnh Tông Thuần hoàng đế ta lo toan việc nội trị suốt ba năm, mẫu mực đoan nghiêm, dung nghi trang nhã. Rộng lượng ban cho kẻ dưới, sâu sắc mà hiền hòa; Vui tươi đượm nét dung nhan, nhân từ và thánh thiện. Đức sáng kể sao cho siết, tán dương nói mãi chẳng cùng.

Tiên mẫu Hoàng lệnh từ bệ hạ triều ta, lan điện ngưng hương, hồ lô đọng nguyệt. Đã theo hầu Hoàng khảo Hoàng đế thưở còn ở tiềm để, cần cù như Câu Dặc phu nhân lo bao đêm ngày, bú mớm chốn Đồ Sơn nhiều năm tháng, sáng nghĩa vẹn tình. Lúc nước nhà nguy nan phụng sự Hoàng đế không màn mệt mỏi, nuôi dưỡng quả nhân nên người, mẫu đức cao dày sánh bằng trời đất. Từ ngày Hoàng khảo long ngự quy thiên, đã cùng Thánh mẫu Hoàng nguyên từ bệ hạ trông giữ lăng tẩm, hơn chục năm sương gió. Điềm cát tường từ năm Long thần phun nước, đức thịnh ắt hợp lời khấm khuy chim phượng[7].

Trẫm lên ngôi đại thống có được thiên hạ, vừa rồi Tôn Nhân phủ cùng bá quan văn võ dâng sớ tâu xin tấn tôn danh hiệu cao quý, bèn theo ý nguyện, tấn tôn Hoàng nguyên từ làm Hoàng thái hậu, và Hoàng lệnh từ làm Hoàng thái phi

— Trích từ Đồng Khánh - Khải Định chính yếu - quyển Khải Định chính yếu sơ tập, phần Hiếu trị

Năm Khải Định thứ 8 (1923), tháng 10, Hoằng Tông quyết định tôn Hoàng thái phi làm Hoàng thái hậu. Để phân biệt Đích-thứ khác biệt giữa hai cung, Hoằng Tông tôn Hoàng thái hậu huy hiệu Khôn Nguyên Hoàng thái hậu (坤元皇太后), còn Hoàng thái phi là Khôn Nghi Hoàng thái hậu (坤儀皇太后). Sang thời Bảo Đại, Hoàng đế tôn cả hai cùng làm Thái hoàng thái hậu, là trường hợp đồng tôn Thái hoàng thái hậu duy nhất trong lịch sử Việt Nam.

Hậu cung triều Nguyễn cũng xuất hiện một tước hiệu độc nhất, là Thái thái hoàng thái hậu. Nguyên do vì đến đời Vua Thành Thái, Từ Dụ Thái hậu vẫn còn sống, và theo vai vế trên tông pháp, cha của Vua Thành Thái là Vua Dục Đức, trở thành con trưởng của Vua Tự Đức, thì Thái hậu là bà cố nội của Vua Thành Thái, là ["Hoàng tằng tổ mẫu"]. Trong lịch sử các triều đại, chưa từng có sự việc như vậy, và Vua Thành Thái đã chế định tước tôn mới cho Thái hậu, là 「Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu; 慈裕博惠康壽太太皇太后」. Năm Thành Thái nguyên niên (1889), chỉ dụ về tấn tôn cho Thái thái hoàng thái hậu như sau:

Có đức lớn ắt được thọ ấy, ắt được danh ấy. Phàm danh lớn trong thiên hạ không có đức thịnh phúc đủ thì ai được dự vào đó. Thánh Tổ Nhân Hoàng đế triều ta bắt đầu nối ngôi thống, phụng tôn Quốc mẫu làm Hoàng thái hậu 18 năm, gặp lễ Thất tuần đại khánh tiết của Hoàng thái hậu lại tôn thêm tên hiệu là Nhân Tuyên Từ Khánh Hoàng thái hậu. Đến khi Hiến Tổ Chương Hoàng đế triều ta lên ngôi, tôn thêm là Nhân Tuyên Từ Khánh Thái hoàng thái hậu, đến năm thứ 5 lại tôn thêm tên hiệu là Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Thái hoàng thái hậu, là để nêu cao đức thánh, tuyên bố danh thơm rộng ra bốn bể, truyền đến muôn đời, điển lễ rất to lớn vậy.

Kính nghĩ Từ Dụ Bác Huệ Thái hoàng thái hậu bệ hạ, như bà Đồ Sơn thị xương thịnh nhà Hạ[8], như mẹ Văn vương kéo dài nhà Chu[9], trước giúp Hiến Tổ Chương Hoàng đế trị bình bảy năm, kế giúp Dực Tông Anh Hoàng đế huân lao ba mươi sáu năm, lời tư trai trong Kinh Thi[10], đức thường trinh nơi Kinh Dịch[11], thật rất tốt đẹp. Từ đó đến nay ân trạch ban ra, xã tắc nhờ đó được yên, trẫm nối theo mưu lớn thường nhớ đạo hiếu. Nhưng đạo hiếu không gì lớn bằng tôn thân nêu hiệu, mà tôn hiệu ca ngợi chưa trọn, trong lòng muôn lần không yên. Huống hồ trẫm nối ngôi chưa lâu, năm nay kính gặp lễ Thánh thọ Bát tuần đại khánh tiết, đồng tôn hợp kính, đâu dám thiếu sót. Trước đã đích thân suất lãnh Tôn nhân Phụ chính đình thần cùng tâu xin dâng thêm tôn hiệu, kính vâng ý chỉ thành thật nói chỉ mong vua sáng tôi hiền, quốc thái dân an, còn như nêu điều tốt tôn hiệu to thì khiêm nhường không nhận, qua mấy lần tới sân cầu khẩn mới đội ơn được ban dụ ưng thuận.

Trong năm Hàm Nghi, kinh thành có việc, từ giá về cung, giá chuông như cũ. Năm rồi Cảnh Tông Thuần Hoàng đế lên làm khách trời, vâng ý chỉ rất vì kế lớn quốc gia, trong ngoài hợp sức, miếu xã vững bền, đó đều là đức quẻ Khôn dày nặng, lâu dài đến vô cùng, giúp muôn dân được an khang, vượt một đời chỗ thọ khảo, gọi Khang gọi Thọ là phúc của hoàng gia, ngõ hầu làm rõ điều tốt đẹp ấy. Nay phụng tôn thêm Hoàng tằng tổ mẫu là Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu, để tỏ lòng thành hiếu với bà của riêng ta, làm thỏa ước nguyện tôn người thân của trăm họ.

— Đại Nam thực lục - Phụ biên, Thành Thái Phế Đế

Sau khi tờ dụ truyền ra, nhà vua bèn sai bộ Lễ tuân bàn nghi lễ, Khâm thiên giám chọn ngày tốt, sai quan tế cáo với miếu điện, đến hôm ấy Vua Thành Thái đích thân suất lãnh hoàng thân cùng đình thần văn vũ bưng kim sách kim bảo dâng tôn hiệu. Lời sách nói:

Quẻ Tốn[12] trung chính mà gần phúc, hợp tốt đẹp chỗ ba linh[13], quẻ Khôn sáng lớn ứng với trời[14], ngụ bão hàm nơi muôn vật. Người có đức lớn trong thiên hạ thì được danh tôn trong thiên hạ, hiển hách thời lành, rỡ ràng điển tốt.

Kính nghĩ Thánh tằng tổ mẫu Từ Dụ Bác Huệ Thái thái hoàng thái hậu bệ hạ, đức lớn sánh non, trí sâu tựa vực. Giúp trị bình suốt bảy năm, họ Đồ Sơn dấy Hạ, dạy siêng năng trong ba kỷ, mẹ Văn vương hưng Chu. Mới rồi vận nước gian nan, nhờ có lòng thánh trù hoạch, kế lớn đã định, thần dân có chủ, Lòng chí thành phát lộ, xã tắc bình yên, việc chi dụng hơi dư, dân đều nhân thọ. Đó đều là công vun chín trù[15] mà gom mối phúc, khang thọ gồm hai, đức ban tám cõi mà nêu điều hay, danh thực như một. Huống nay chất đẹp, kính nhận nghiệp to, phúc gặp bát tuần, ngôi nên tôn phụng. Tuy nhún nhường tự hạ, tiếng tốt không màng, nhưng rộng rãi khôn lường, hiệu hay phải tiến. Kính cẩn suất lãnh hoàng thân cùng đình thần văn vũ bưng kim sách kim bảo dâng tôn hiệu là Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu.

Kính nghĩ danh lớn đã chính, đức giáo càng cao. Đạo chính dạy người, trải bốn đời làm quốc mẫu, an trinh thêm phúc, hợp bốn bể thành một nhà, ngõ hầu cháu cố gắng để được phúc thọ khang vậy.

— Sách văn tôn Từ Dụ Bác Huệ Khang Thọ Thái thái hoàng thái hậu

Mẹ sinh của Hoàng đế

Từ đời Tự Đức, triều đình nhà Nguyễn đã xảy ra hiện tượng "lập Tự" - tức đem con trai dòng khác vào cung nhận làm con và cho quyền kế thừa. Vua Dực Tông không con, nên đã đem 3 người con của 2 người em khác của mình vào cung và giao cho Cung phi nuôi dạy. Cả về sau đều lên ngôi và có hậu duệ lên ngôi, chính là Vua Dục Đức (Cung Tông), Vua Kiến Phúc (Giản Tông) và Vua Đồng Khánh (Cảnh Tông). Trong ấy, Vua Cung Tông là con của Thụy Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, còn Giản Tông và Cảnh Tông là con của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai.

Do cả 3 được Vua Dực Tông nhận làm con, nên vấn đề gọi cha mẹ ruột cũng trở thành vấn đề để nghị bàn, nhìn chung cả 3 đều không thể tôn gọi cha mẹ ruột bằng danh xưng chính thống dành cho "Cha của Hoàng đế" và "Mẹ của Hoàng đế" như Thái thượng hoàng hay Hoàng thái hậu, mà chỉ có thể dùng tước Vương và bối phận [Hoàng thúc; 皇叔] để gọi cha, và [Hoàng thúc mẫu; 皇叔母] để gọi mẹ. Đây là bởi vì cả 3 đã là "con của Vua Dực Tông", mà Vua Dực Tông là anh cả của 2 người kia, nên cả 3 phải lấy thân phận con của Dực Tông gọi 2 vị là kia là chú (tức là thúc theo Hán Việt). Trong 3 vị Hoàng đế, Vua Cung Tông bị phế nên mãi đời Thành Thái thì thân phận của Thụy Thái vương và vợ ông mới được định, hơn nữa lúc ấy cả 2 đều đã qua đời, nên chỉ là truy tặng. Song vào thời điểm Giản Tông và Cảnh Tông lên ngôi, tuy Kiên Thái vương đã qua đời, nhưng mẹ của 2 vị là Phủ thiếp Bùi Thị Thanh vẫn còn sống. Do loạn lạc, việc tấn tôn cho Bùi thị đến năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) mới chính thức quyết.

Việc tấn tôn Bùi Thị Thanh cùng Hồng Cai đã là vấn đề phải ghi vào Đại Nam thực lục:

Tấn tặng huy hiệu Kiên vương. Trước đây, bộ Lễ tâu nói: “Cha mẹ sinh ra, rất là thân tình, dẫu chuyện nặng về chính thống, cũng không nên không hậu với tư ân. Tôn vương (chỉ Hồng Cai) chăm trồng cây đức, sinh ra bậc sáng suốt, ngôi báu thêm lâu dài, là nguồn gốc từ đấy, trước được tấn tặng tước Vương, cùng các hàng Thân vương không khác, là chưa hết đạo tôn sùng, phải nên rộng tìm điển cũ, riêng có tên khác, ngõ hầu tỏ được lòng hiếu phụng. Nhưng xét về đời Tống, Bộc An ý vương là Doãn Nhượng, năm Khánh Lịch thứ 4, phong làm Nhữ Nam Quận vương. Gia Hựu năm thứ 4, phong làm Bộc vương, thuỵ là An Ý. (Tống) Nhân Tông trị vì không có con, bèn lấy con thứ 13 của Vương là Tôn Thực làm Hoàng tử. Khi Nhân Tông mất, Hoàng tử lên ngôi là Anh Tông. Trình Y Xuyên thành Bành Tư Viên bàn về Bộc vương có nói rằng: “Đế vương cùng với hàng cha cùng bình đẳng không có phân biệt, thì cái lòng đại hiếu khó được yên. Nay thần thiết nghĩ lời tế cáo Bộc Quốc thái vương, thì nói cháu được nối ngôi Hoàng đế, viết tên, kính cáo lên hoàng bá phụ, đều noi theo rồi”. Tôn vương nên theo lời bàn ấy, tấn tôn là Kiên Thái vương”.

Hoàng đế chuẩn giao cho tôn nhân, đình thần duyệt bàn, nhưng phê bảo 2 chữ “Ôn Nghị” trẫm muốn đem dùng là “Thuần Nghị”, xét và trả lời một thể.

Sau tâu trả lời rằng: “Năm Tự Đức thứ 27 [1874], đình thần theo lệnh xét bàn về việc truy tôn chính bố mẹ sinh ra, trong tập tâu có khoản nói: 'Nên ưu tiên bằng hậu lộc, tôn làm tước Vương'; tập ấy đã được thánh thượng phê cho theo lời bàn ấy. Lại xét lời bàn ấy của Y Xuyên, ngay bấy giờ dẫu chưa thi hành, nhưng lời bàn của hậu nho cho là được tình lễ chính đáng. Nay tôn vương như được thêm chữ “thái”, thì đối với các vương có phân biệt mà đối với chính thống tưởng cũng không ngại, xin theo lời bàn của bộ, tấn tôn làm Kiên Thái vương. Còn như vợ của Tôn vương là Bùi Quý thị, xin tấn phong làm Vương thái phi, hầu hợp tình lễ. Lại vâng xét tên thuỵ để nêu đức tốt hai chữ 'Thuần Nghị' đều là chữ tốt đẹp, có hợp cái chí của tôn vương lúc sinh tiền, như được đem dùng, đối với ý nghĩa đều được hoàn toàn chu đáo”.

Hoàng đế phê bảo: “Lời bàn trước có khoản : Nên biên thêm 'Hoàng thúc', sao không đề cập đến thuỵ hiệu, chức, tước, có nên y cho biên không?”. Đình thần tâu trả lời:“Tự Đức năm thứ 29 [1876], theo nghị chuẩn cho nghi lễ: Xưng, hô, tiếp, ngộ, chính của cha sinh ra, ngày nay xưng là Thúc [chú], ngày sau thì xưng là 'Hoàng thúc'. Nay Tôn vương xin theo cho xưng là Hoàng thúc, mà thần chủ xin biên là Hiển khảo Hoàng thúc tặng Kiên Thái vương, thuỵ Thuần Nghị; bên cạnh biên: 'Hiếu tử Ưng Đăng phụng thờ'. Đề ở bia xin biên những chữ: 'Hoàng thúc tặng Kiên Thái vương thuỵ Thuần Nghị'. Còn Bùi Quý thị xin tấn phong là Kiên Thái Vương phi, ngõ hầu được hợp tình lễ”.

Hoàng đế nói:“Thái vương xưng là Hoàng thúc, nghị ấy đã thành, còn như Thái Vương phi, theo nghị ấy, dịch ra thì gọi là gì?”. Đình thần tâu trả lời: “Tự Đức năm thứ 29, bàn về chuẩn cho, trong có một khoản là: Hoàng tử đối với chính cha sinh ra mình, xưng là Thúc phụ. Lại một khoản: Cha mẹ sinh ra mình, chỉ xưng là Hoàng bá thúc phụ mẫu, không được xưng là khảo, tỷ hay đế. Nay xin theo lời chuẩn trước, xưng là Hoàng thúc phụ, còn thần chủ và đề ở bia đều biên thêm chữ 'phụ'; Thái vương phi xin xưng là Hoàng thúc mẫu”.

Hoàng đế đều cho theo đó mà làm, xuống Dụ rằng:

“Nay cứ theo Tôn nhân, đình thần cùng lời kêu xin, nên chiểu theo lời bàn của Trình Di về Bộc vương, tấn tặng Kiên vương là Kiên Thái vương, vợ của Vương ấy là Bùi thị, tấn phong là Kiên Thái vương phi. Về xưng hiệu thì theo lời bàn năm Tự Đức thứ 29, chuẩn cho xưng là Hoàng thúc phụ, Hoàng thúc mẫu, cùng khoản đặt tên thuỵ hay đổi dùng 2 chữ 'Thuần Nghị', ngõ hầu hợp chí vương khi còn sống, trẫm 2 - 3 lần giao cho luận bàn công, lần lượt tâu lên, đều cho lời bàn trước là đúng, tưởng đã rất thích đáng, đã đem việc ấy tâu lên Lưỡng cung, kính được bằng lòng y cho. Vả lại, chính thống nghĩa là rất trọng, mà ơn sinh thành, vốn ở chí tình, duy hợp với lẽ phải của trời, lòng người được yên, là đạo chính của lễ. Trẫm châm chước tiếp thu lời của các quan, kính vâng ý Chỉ, tấn tặng Kiên vương là Kiên Thái vương, tên thuỵ là Thuần Nghị và vợ của vương là Bùi thị, tấn phong là Kiên Thái Vương phi, về xưng hiệu chuẩn theo lời bàn trước, còn như việc nên làm, nên giao cho quan có trách nhiệm xét từng khoản định liệu mà làm, cho hợp điển lễ”.

— Đại Nam thực lục - "Cảnh Tông Thuần Hoàng đế thực lục"

Bà Bùi Thị Thanh sống trải đời Thành Thái, đến năm thứ 12 (1900) thì qua đời. Trong thời Thành Thái, Khâm sứ đại thần Tá Quốc quận công Boulloche đề nghị triều đình nên cấp 2000 đồng cho bà chi tiêu. Vào lúc này, Bùi thị được gọi là ["Hoàng thúc tổ mẫu"; 皇叔祖母] do là bà thím của Hoàng đế. Khi bà qua đời, triều đình chọn tên thụy hiệuĐoan Nhu (端柔), chuẩn trích 1.000 đồng trong Nội vụ phủ để thực hiện mai táng.

Cung phi tần thiếp

Ảnh được cho là của Phủ thiếp Trương Như Thị Tịnh.

Từ đầu năm Gia Long, Khâm định Hội điển ghi chú lệ cấp bổng cung giai, Thế Tổ đã quy định lương bổng cho các cung phi. Lúc này hậu cung còn đơn giản, bậc 1 hằng năm lãnh 300 quan tiền, 180 phương gạo (trong đó có 12 phương gạo trắng). Thời ấy, một phương gạo tương đương 30 đấu, mỗi đấu khoảng 1 lít. Các bậc sau, đến bậc 7 giảm đã chỉ còn phân nửa so với bậc đầu.

Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), định lệ cung phân của Nội đình: Hiền tần mỗi năm 350 quan tiền, 160 phương gạo. Tiệp dư mỗi năm 300 quan tiền, 120 phương gạo. Mỹ nhân mỗi năm 280 quan tiền, 72 phương gạo. Tài nhân mỗi năm 260 quan tiền, 60 phương gạo.

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Thánh Tổ đặt lại chức giai, cũng chuẩn định lệ cấp bổng lộc hằng năm:

  • Hoàng quý phi 1000 quan tiền, 300 phương gạo.
  • Nhất giai Phi 500 quan tiền, 250 phương gạo.
  • Nhị giai Phi 450 quan tiền, 200 phương gạo.
  • Tam giai Tần 400 quan tiền, 180 phương gạo.
  • Tứ giai Tần 350 quan tiền, 140 phương gạo.
  • Ngũ giai Tần 320 quan tiền, 120 phương gạo.
  • Lục giai Tiệp dư 300 quan tiền, 100 phương gạo.
  • Thất giai Quý nhân 280 quan tiền, 84 phương gạo.
  • Bát giai Mỹ nhân 260 quan tiền, 60 phương gạo.
  • Cửu giai Tài nhân 180 quan tiền, 48 phương gạo.

Năm thứ 19 (1838), dụ về cách đưa lương bổng. Sau này các bậc trong cung ai được tấn phong, theo lệ ngay trong tháng giêng thì cho theo lệ cấp lương cả năm. Còn ngoài ra từ tháng 2 đến tháng 7, thì cho lấy ngày mùng 1 tháng 7 bắt đầu, cấp thêm 6 tháng. Còn từ tháng 8 trở về sau, thì đợi đến tháng giêng sang năm cấp lương.

Trong cung đình, Nội vụ phủ sẽ chuyên cung cấp đồ dùng, lương thực cho cả Lục viện theo mùa hoặc theo tháng. Trong đó, có việc cung cấp quần áo vào mùa xuânmùa đông hằng năm là lệ thường, chia đều cho các cấp bậc từ tần ngự đến Nữ quan Thị tỳ, chất liệu vải có rất nhiều, như nhiễu, đoạn, sa, lụa hoặc thậm chí có vải Tây dương. Nhưng theo phân lệ, bậc Phi cả quần và áo đều 8 cái; bậc Tần áo 8 cái và quần 7 cái; bậc Tiệp dư có 7 áo và 6 quần; Quý nhân cùng Mỹ nhân đều áo và quần có 6 cái; cuối cùng là Tài nhân (gồm cả Vị nhập giai) có 6 áo và 5 quần.

Năm Thành Thái thứ 2 (1890), lại có chuẩn nghị:"Phi tần từ các tiền triều, hiện từ bậc Nhất giai cho đến Thị nữ đều chiếu theo lệ cũ mà tăng gấp đôi"[16]. Theo đó chế độ lương bổng mới đạt hơn lệ thường, tuy nhiên lại bỏ đi mục chu cấp gạo như lệ cũ:

  • Hoàng quý phi 6200 quan tiền.
  • Nhất giai Phi 4500 quan tiền.
  • Nhị giai Phi 3700 quan tiền.
  • Tam giai Tần 3200 quan tiền.
  • Tứ giai Tần 2660 quan tiền.
  • Ngũ giai Tần 2320 quan tiền.
  • Lục giai Tiệp dư 2000 quan tiền.
  • Thất giai Quý nhân 1736 quan tiền.
  • Bát giai Mỹ nhân 1320 quan tiền.
  • Cửu giai Tài nhân 1032 quan tiền.
  • Vị nhập giai 912 quan tiền.

Cung nhân, Cung nga và Thị nữ

Đây là những Tần ngự ở Nội đình đông đảo nhất, nhiều hơn các Tần ngự có sách phong bậc Cung giai. Nhận định này được xác định thông qua sự xuất hiện các bài vị của Cung nhân, Cung nga, Thị nữ chiếm rất nhiều trong các điện thờ trên các lăng tẩm triều Nguyễn. Tuy nhiên, các Tần ngự này không có sách phong chính thức nào cả, là mức cơ bản nhất của người được chọn làm Tần ngự khi mới vào Nội đình, sau đó có biểu hiện tốt thì mới sách phong lên bậc cao (như các Dụ tần và Điềm tần thời Khải Định).

Hằng năm, Nội vụ phủ sẽ cung cấp đồ mùa xuânmùa đông chia đều cho các cấp bậc từ tần ngự đến Nữ quan Thị tỳ. Các Cung nhân theo phân lệ nhận áo và quần năm cái; Cung nga có 5 áo và 4 quần; cuối cùng là Thị nữ có áo và quần đều bốn cái. Về danh vị, Cung nhân thường là mức của con nhà quan lại mới vào Nội đình, ngoài việc hầu cận Hoàng đế thì cũng như Cung nga và Thị nữ, đều có thể được phân phó đến các cơ quan Lục thượng để làm nữ quan. Điều này chứng minh thông qua Hoàng triều Ngọc điệp bản Chính biên, liệt kê Xuân Lâm công chúa của Hiến Tổ có mẹ là Cung nga Nguyễn Viết thị, thì:"Năm Minh Mạng thứ 6, thị hầu Tiềm để. Năm Thiệu Trị nguyên niên, sung vào hàng Cung nhân. Năm thứ 3, cho làm Cung nga ở Điển soạn của Thượng diên viện". Lại như Tài nhân Nguyễn Đăng Thị Nhã cũng là phi tần của Vua Hiến Tổ, từng là Thượng nghi viện Chưởng nghi Cung nhân (尚儀院掌儀宮人), tức bà vừa làm Cung nhân vừa kiêm nữ quan ở Chưởng nghi thuộc Thượng nghi viện.

Cũng như các Tần ngự có sách phong, Cung nhân, Cung nga, Thị nữ cũng có lương bổng nhưng lại không được đề cập trong bản Chính biên của Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (kết thúc khoảng đời Tự Đức). Phải khi sang Tục biên thì mới ghi chép, nhưng đó là dụ chỉ ban hành bổng lộc mới triều Thành Thái, nên về cơ bản trước đó không rõ bổng lộc của bậc này là bao nhiêu. Theo đó:

  • Cung nhân 810 quan tiền.
  • Cung nga 624 quan tiền.
  • Thị nữ 432 quan tiền.

Ngoài ra, dưới triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, các Hoàng đế lên ngôi sau khi Tiên Đế mất, liền thủ tang 3 năm, trong 3 năm đó không hề định chuyện sách phong Tần ngự long trọng vì sẽ phạm vào việc tang. Tuy vậy, các Tần ngự ở Tiềm để cũng theo địa vị mà có được 3 danh phận chính, là Cung tần (宮嬪), Cung nhân (宮人), Thị nữ (侍女)[17][18]. Sau khi hết tang kỳ, lần lượt các Tần ngự thuộc 3 hạng này sẽ được phân ra danh vị khác nhau, và tuy có trùng nhưng hàng Cung nhân trong thời gian này khác hẳn bậc Cung nhân thuộc quy chế chính quy. Điều này có thể thấy ví dụ ở trên, khi Cung nga Nguyễn Viết thị sung hàng Cung nhân, sau đó trở thành Cung nga của Thượng diên viện.

Nữ quan cùng Thị tỳ

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), sau khi ban bố 9 bậc phi tần, Vua Thánh Tổ còn cho đặt Lục thượng ty (六尚司) do các phi tần kiêm chức nữ quan đảm nhiệm, định rõ chức phận giữ nội chính cho được tề chỉnh, lúc này thứ tự có:

  • Thượng nghi (尚儀), giữ nghi lễ tiết văn.
  • Thượng trân (尚珍), giữ châu ngọc quý báu.
  • Thượng khí (尚器), giữ những đồ đạc quý.
  • Thượng phục (尚服), giữ chầu, nệm, giường, màn.
  • Thượng thực (尚食), giữ các loại bánh trái quà mọn.
  • Thượng y (尚衣), giữ việc áo xiêm.

Quản lý Lục thượng ty này lại chia làm các bậc nữ quan, bao gồm:

  1. [Thủ đẳng; 首等], tức Bậc đầu, là chức Quản sự (管事) của Lục thượng, cùng Tư nghi (司儀) và Tư trân (司珍).
  2. [Thứ đẳng; 佽等], tức Bậc thứ, là chức Thống sự (統事) của Lục thượng, cùng Tư hương (司香) và Tư khí (司器).
  3. [Trung đẳng; 中等], tức Bậc giữa, là chức Thừa sự (承事) của Lục thượng, cùng Tư y (司衣) và Tư thảng (司帑).
  4. [Á đẳng; 亞等], tức Bậc á, là chức Tùy sự (隨事) của Lục thượng, cùng Quản ban (管班) của các ban.
  5. [Hạ đẳng; 下等], tức Bậc dưới, là chức Tòng sự (從事) của Lục thượng, cùng Lãnh ban (領班) của các ban.
  6. [Mạt đẳng; 末等], tức Bậc cuối, có chức Mục (目; tương đương Trưởng ban) của các ban và Cung nô Đầu mục (宮奴頭目).

Trong Hội điển cũng ghi lại, quản lý mọi việc là bậc Thủ đẳng, thâu tóm mọi việc là bậc Thứ đẳng, thừa hành mọi việc là bậc Trung đẳng, còn Á đẳng trở xuống là lệ thuộc trực tiếp trong phạm vi mỗi ban, các ban đều có lịch trình riêng phân biệt nhau, gồm 8 ban là: ban Thiều Quang, ban Thuỵ Nhật, ban Kim Hoa, ban Hương Cẩm, ban Tường Loan, ban Nghi Phượng, ban Tiên Quế và ban Ngọc Mai. Vào lúc này thì từ bậc Thủ đẳng đến bậc Hạ đẳng, khi sách phong đều ban cáo sắc bằng giấy Long tiên trục[19]. Bậc Mạt đẳng, do bộ Lễ tuyên sắc, và từ bậc Hạ đẳng trở lên nếu có thự hàm, thì cho các sắc chỉ tuyên phong đều dùng giấy Hội sao. Sau khi viết các trục cáo sắc cho nữ quan, đều để vào trong hòm gỗ màu đỏ son, các quan bộ Lễ giao cho Cung giám (tức các quan thái giám), rồi từ Cung giám truyền cho nữ quan ấy nhận lĩnh. Các nữ quan kính nhận, để trên hương án, làm lễ 3 lần quỳ, 6 lần vái. Về sau nếu có cáo sắc nhận ơn, đều đến trước mặt Hoàng đế làm lễ 3 lạy 6 vái như trên. Khi bị giáng chức, thì do Cung giám trực tiếp truyền chỉ.

Năm Thiệu Trị thứ 3 (1843), Vua Hiến Tổ cho dụ đổi cách gọi Lục thượng ty thành Lục thượng viện (六尚院), lại cho đặt thêm các cơ quan nhỏ trong Lục thượng để cai quản tỉ mỉ và trực tiếp hơn so với khi trước. Hoàn thiện thêm chế độ Lục thượng gồm:

  • Thượng nghi (尚儀), coi việc giữ giấy tờ trong nội cung. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng nghi (掌儀), Chưởng lễ (掌禮). Bậc thứ gọi là Tư hương (司香), Tư chương (司章). Bậc trung gọi là Điển thư (典事), Điển hàn (典翰).
  • Thượng diên (尚筵), đổi từ Thượng thực, hầu ngự thiện và phụng tiến các thức ăn. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng diên (掌筵), Chưởng yến (掌宴). Bậc thứ gọi là Tư trà (司茶), Tư thiện (司膳). Bậc trung gọi là Điển soạn (典僎), Điển dao (典醪).
  • Thượng trân (尚珍), coi giữ ngọc châu, trân bảo. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng châu (掌珠), Chưởng ngọc (掌玉). Bậc thứ gọi là Tư kim (司金), Tư ngân (司銀). Bậc trung gọi là Điển hoàn (典鍰), Điển mân (典緡).
  • Thượng y (尚衣), phụng hầu mũ áo và coi giữ xiêm y bốn mùa. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng bào (掌袍), Chưởng cừu (掌裘). Bậc thứ gọi là Tư y (司衣), Tư phi (司緋). Bậc trung gọi là Điển nhu (典襦), Điển chẩn (典袗).
  • Thượng phục (尚服), coi việc màn trướng. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng duy (掌帷), Chưởng vi (掌幃). Bậc thứ gọi là Chưởng thường (掌裳), Chưởng đới (掌帶). Bậc trung gọi là Điển khâm (典衾), Điển nhục (典褥).
  • Thượng thảng (尚帑), vốn là Thượng khí, coi giữ nội khố. Trong đó chia ra các bậc quản lý:
Bậc đầu gọi là Chưởng trân (掌珍), Chưởng ngoạn (掌玩). Bậc thứ gọi là Tư thảng (司帑), Tư khí (司器). Bậc trung gọi là Điển cẩm (典錦), Điển thái (典采).

Cũng trong năm Thiệu Trị thứ 3, cũng xuống dụ cho đổi tên một số cơ quan: Điển soạn của Thượng diên thành Điển tư (典司); Tư kim và Tư ngân của Thượng trân đổi thành Tư cung (司供), Tư trân (司珍); Điển hoàn cùng Điển mân cũng đổi thành Điển kim (典金), Điển ngân (典銀). Chức năng của các bậc nữ quan vẫn như cũ, chỉ là đã được cụ thể hóa hơn ở từng cơ quan.

Bổng lộc của 6 bậc nữ quan, bao gồm:

  • Quản sự (管事), lương bổng hằng tháng 6 quan tiền, 3 phương gạo.
  • Thống sự (統事), lương bổng hằng tháng 5 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Thừa sự (承事), lương bổng hằng tháng 4 quan tiền, 2 phương gạo.
  • Tùy sự (隨事), lương bổng hằng tháng 3 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Tòng sự (從事), lương bổng hằng tháng 2 quan tiền, 1 phương gạo.
  • Trưởng ban (長班), lương bổng hằng tháng 1 quan 5 tiền, 1 phương gạo.

Triều Thành Thái, thay đổi về lương bổng, hé lộ ra thêm nhiều thân phận khác. Lệ dưới là lương bổng cả năm:

  • Quản sự 528 quan.
  • Thống sự 384 quan.
  • Thừa sự 360 quan.
  • Tùy sự là Tôn nữ 336 quan, Tùy sự bình thường 276 quan.
  • Tòng sự là Tôn nữ 276 quan; Tòng sự bình thường 216 quan.
  • Quản ban 276 quan.
  • Lĩnh ban 216 quan.
  • Trưởng ban 216 quan.
  • Riêng có: Công nữ phụng trực 336 quan, Tôn thất nữ phụng trực 252 quan.

Những hạng dưới bậc Nữ quan, là các Cung tỳ:

  • Nhũ bảo (乳保)[20] 72 quan, 12 phương gạo.
  • Lão tỳ (老婢) 60 quan, 12 phương gạo.
  • Ni nhân (妮人) 48 quan, 12 phương gạo.
  • Quan nô (官奴), hay Cung nô (宮奴):
Đại đầu mục (大頭目) 48 quan 12, phương gạo.
Tiểu đầu mục (小頭目) 43 quan, 12 phương gạo.
  • Nội thị khoá nữ (內侍課女) 36 quan.
  • Cung nghi (宮儀) 28 quan 8 tiền, 12 phương gạo.
  • Ban nhân (班人) và Nô nữ (奴女) đều 24 quan, 12 phương gạo.

Lệ cấp quần áo mùa xuânmùa đông, từ trước Tự Đức đã có ban bố. Theo đó, các Quản sự 6 áo và 5 quần; bậc Thống sự có áo và quần đều năm cái; bậc Thừa sự có 5 áo và 4 quần; bậc Tùy sự áo bốn cái quần ba cái; bậc Tòng sự và Quản ban áo quần đều ba cái; Lĩnh ban và Trưởng ban tầm 3 áo và 2 quần. Các Nữ quan và Cung tỳ cũng có các nhân sự được phái sang Cung Diên Thọ, hầu hạ người phụ nữ tôn quý nhất hoàng thất, nên là những nhân sự "Túc trực" riêng trong Nội đình.